Sau nhiều giai đoạn thí điểm, giấy tờ tùy thân của công dân nước Việt Nam chúng ta đã chuyển đổi liên tục từ Giấy chứng minh nhân dân (còn gọi là Chứng minh thư, CMND) có 09 chữ số sang Chứng minh nhân dân thẻ nhựa có 12 chữ số, và 2021 đang triển khai thực hiện cấp và đổi sang Căn cước công dân gắn chip có 12 chữ số.
Điều này gây nên nhiều khó khăn và vướng mắc cho người dân. Họ không biết tại sao lại đổi giấy tờ nhiều lần thế? Ai là đối tượng cần thiết phải làm CCCD gắn chip? Có bắt buộc phải đổi CMND 9 số, CMND mã vạch không chip sang CCCD gắn chip không? Thủ tục đổi hoặc cấp mới CCCD gắn chip thế nào? Chi phí ra sao? Có cần giấy tờ xác nhận khi làm thủ tục với các văn bản giấy tờ sử dụng số CMND cũ hay không? Có làm được CCCD tại nơi tạm trú không?
Hôm nay Biết Wiki sẽ cùng chia sẻ về vấn đề này để mọi người có thể thuận tiện hơn trong việc đổi, cấp và sử dụng trong các công việc sau này.
Contents
- Căn cước công dân gắn chip (CCCD) có gì khác các loại CMND trước đây?
- Thời hạn hiệu lực của CCCD gắn chip thế nào?
- Ai phải làm CCCD gắn chip trước 01/07/2021?
- Có bắt buộc đổi CMND 9 số, CMND mã vạch chưa có chip thành CCCD không?
- Có đúng là CCCD có thể cấp tại nhà qua ứng dụng Zalo?
- Thủ tục cấp đổi CMND/CCCD chưa chip sang CCCD gắn chip thế nào? Thực hiện ở đâu?
- Lệ phí khi làm CCCD gắn chip thế nào?
- Có được làm thẻ CCCD gắn chip tại nơi tạm trú?
- CCCD gắn chip có thể bị định vị, theo dõi không?
- Biết Wiki Tổng kết
Căn cước công dân gắn chip (CCCD) có gì khác các loại CMND trước đây?
Hiện tại mỗi công dân Việt Nam sở hữu trong mình rất nhiều loại giấy tờ. Đơn giản có thể kể đến như chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ATM, bằng lái xe, bảo hiểm xe máy, … gây rất nhiều phiền hà cho việc quản lý và sử dụng.
Mỗi khi làm thủ tục gì đó, đôi khi chúng ta phải đi đi về về mấy lần, trừ khi chúng ta mang cả tủ hồ sơ theo người. Việc nhiều giấy tờ không những gây phiền hà mệt mỏi cho người dân khi cần làm thủ tục hành chính, mà còn khó khăn cho cả các cơ quan quản lý của Nhà Nước.
Những trường hợp trùng giấy tờ, làm giả giấy tờ để lừa đảo gây ra nhiều rắc rối và những thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho cả các cơ quan nhà nước và người dân.
Căn cước công dân gắn chip là giải pháp để tổng hợp số hóa tất cả các thông tin cá nhân về một mối, quản lý theo số Căn cước công dân và thao tác với chip gắn trong CCCD. Phương pháp quản lý này không hề mới, nhiều nước đã sử dụng phương pháp quản lý công dân theo một số an sinh xã hội duy nhất từ hàng chục năm trước, khi mà các hệ thống máy vi tính còn rất thô sơ, chưa hiện đại như bây giờ.
Trong tương lai, tất cả các thông tin từ lúc sinh ra của một người sẽ được lưu trữ trên CCCD gắn chip. Để đảm bảo tiện lợi và bảo mật, thông tin trên căn cước sẽ bao gồm thông tin công khai và thông tin bảo mật.
Thông tin công khai là thông tin cá nhân cơ bản có thể dễ dàng quét bởi các thiết bị quét mã vạch hoặc điện thoại thông minh. Thông tin bảo mật là thông tin được lưu trữ mã hóa trong chip gắn phía trong CCCD. Chỉ các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhất định mới có thể đọc được thông tin nhất định được mã hóa trong con chip này.
Việc bảo mật và đồng bộ thông tin sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn, không xảy ra hậu quả nghiêm trọng khi công dân lỡ đánh mất CCCD. Thêm nữa việc cấp lại cũng cực kì đơn giản khi việc xác định thông tin một người cực kì đơn giản, không cần thiết phải chờ giấy xác nhận của lãnh đạo cấp xã, phường hay về tận nhà để lấy sổ hộ khẩu. Việc xác nhận nhân dạng một người chỉ đơn giản là đọc số CMND, hoặc lấy dấu vân tay, hay có thể là quét võng mạc mắt, sẽ xác định được chính xác người đó là ai.
Thời hạn hiệu lực của CCCD gắn chip thế nào?
Theo quy định của khoản 2 Điều 21 Luật CCCD thì độ tuổi đổi CCCD là đủ 25 tuổi, đủ 40 và đủ 60 tuổi. Trương hợp thẻ CCCD được đổi, cấp lại trong thời gian 2 năm trước độ tuổi quy định đổi CCCD thì vẫn có giá trị sử dụng đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Ai phải làm CCCD gắn chip trước 01/07/2021?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân và Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 , áp dụng phải làm thủ tục đổi hoặc cấp mới chứng minh nhân dân đối với các trường hợp sau đây:
- CMND cũ hết thời hạn sử dụng hoặc công dân dùng thẻ CCCD mã vạch mà đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi
- CMND cũ nát, bong tróc, bạc màu không sử dụng được
- Thay đổi thông tin công dân về họ, tên, đệm hay ngày tháng năm sinh
- Thay đổi thông tin đăng ký hộ khẩu thường trú ngoại phạm vi tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung Ương
- Vì lí do nào đó buộc phải thay đổi đặc điểm nhận dạng , giới tính
- Được cấp quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam
Có bắt buộc đổi CMND 9 số, CMND mã vạch chưa có chip thành CCCD không?
Không. Các trường hợp CMND, CCCD cũ còn nguyên vẹn, còn trong thời gian sử dụng thì vẫn được phép tiếp tục sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn hoặc trở thành một trong các đối tượng nếu trên.
Có đúng là CCCD có thể cấp tại nhà qua ứng dụng Zalo?
Không. Để việc cấp đổi CCCD gắn chip thuận tiện hơn, người dân có thể đăng kí hồ sơ online thông qua ứng dụng Zalo nhưng vẫn cần thiết phải tới điểm làm thủ tục CCCD để nộp hồ sơ và lấy dấu vân tay bằng máy.
Thủ tục cấp đổi CMND/CCCD chưa chip sang CCCD gắn chip thế nào? Thực hiện ở đâu?
Công dân cần mang theo sổ hộ khẩu, CMND và các giấy tờ hợp pháp xác nhận việc thay đổi thông tin công dân nếu sự thay đổi này chưa được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các bước làm cơ bản như sau:
- Bước 1: Điền vào Tờ khai Căn cước công dân
- Bước 2: xuất trình CMND, sổ hộ khẩu để cán bộ tiếp nhận hồ sơ và đối chiếu, kiểm tra thông tin. Nếu thông tin chưa khớp, sai sót thì cẩn bổ sung giấy tờ hợp pháp về các thông tin thay đổi. Sau khi toàn bộ thông tin hợp lệ, công dân được cán bộ lấy dấu vân tay bằng máy.
- Bước 3: Đóng lệ phí cấp CCCD. Chi tiết lệ phí ở mục tiếp theo
- Bước 4: Cán bộ cơ quan quản lý CCCD cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cho người đến làm thủ tục
Lệ phí khi làm CCCD gắn chip thế nào?
Theo thông tư 59/2019/TT-BTC và Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức phí cấp căn cước công dân gắn chip như với từng đối tượng như sau:
- Chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang thẻ CCCD gắn chip: 30.000 đồng
- Đổi thẻ CCCD bị hư hỏng hoặc thay đổi thông tin về họ, tên, đệm, đặc điểm nhận dạng, thay đổi hộ khẩu đăng ký thường trú, quê quán, xác định lại giới tính: 50.000 đồng
- Cấp lại CCCD bị mất, người được trở lại quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng
Đối với các trường hợp cấp đổi CCCD gắn chip trước ngày 30/06/2021 sẽ được giảm 50% so với mức lệ phí quy định.
Ngoài ra có một số trường hợp được miễn lệ phí khi cấp CCCD gắn chip:
- Bắt buộc đổi thẻ CCCD khi Nhà nước thay đổi địa giới hành chính
- Cấp, đổi thẻ CCCD cho công dân là nhân thân của liệt sĩ ( bố, mẹ, vợ, chồng và con dưới 18 tuổi); thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con cái tuổi chưa đủ 18 của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã địa phận biên giới; công dân thường trú tại cá huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu sổ sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; công dân nằm trọng diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
- Cấp đổi thẻ CCCD cho công dẫn dưới 18 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Có làm được thẻ CCCD gắn chip tại nơi tạm trú không?
Có được làm thẻ CCCD gắn chip tại nơi tạm trú?
Theo Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA có quy định về việc phân cấp giải quyết cấp, đổi thẻ Căn cước công dân như sau:
Công dân nào đã được cấp CCCD hoặc CMND 12 số thì trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có thông tin của công dân. Các trường hợp này có thể đến đăng ký cấp, đổi lại CCCD ở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trận tự xã hội, công an cấp tỉnh ở bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước.
Nếu công dân mới được cấp CMND 9 số, hoặc chưa từng được cấp CMND hay CCCD thì phải làm thủ tục cấp CCCD tại nơi công dân đăng ký hộ khẩu thường trú.
Trong tương lai, khi thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đầy đủ, được đưa vào vận hành thì công dân có thể làm thủ tục cấp, đổi CCCD ở bất kỳ cơ quan quản lý CCCD nào trên cả nước.
CCCD gắn chip có thể bị định vị, theo dõi không?
Không. Các công nghệ định vị GPS, GLONASS, GALILEO, INS, BEIDOU, QZSS của Mỹ, Nga, Châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản đều hoạt động dựa trên việc sử dụng sóng điện từ. Thẻ CCCD gắn chip của chúng ta không hề sử dụng pin nên hoàn toàn không có chuyện định vị, theo dõi bằng CCCD gắn chip. Các bạn hãy yên tâm làm việc cơ mật với CCCD gắn chip bên mình nhé.
Biết Wiki Tổng kết
Chúng ta phải có thể thấy CCCD gắn chip mang lại những thuận tiện vượt xa các giấy tờ đang dùng hiện nay. Thêm nữa, trong thời điểm này, nhà nước ưu tiên cử người về tận xã phường để làm cho bà con, với lệ phí chỉ bằng 50% so với quy định.